PHẢI LÀM GÌ KHI NHÂN VIÊN CẤP DƯỚI GIỎI HƠN MÌNH?

Ngày đăng: 10/07/2020 Viết bởi: Vũ Hải Anh

 

Làm thế nào khi một nhân viên cấp dưới giỏi hơn mình? Không thể tự sa thải mình thì giải pháp ở đây là gì? Có nên giấu nhẹm thông tin về năng lực và hiệu quả của người đó? Hay ngồi khoanh tay hy vọng tổ chức sẽ không phát hiện ra tài năng của cấp dưới?

Hay là thử cách này: Hãy tổ chức một buổi ăn mừng. 

Tin vui nhất đối với nhà lãnh đạo là tuyển được người thông minh hơn, sáng tạo hơn hoặc nhìn từ góc độ nào đó là tài năng hơn mình. Điều đó giống như trúng số độc đắc vậy. Đột nhiên, bạn lại có được một nhân viên với năng lực có thể cải thiện công việc hiệu quả và danh tiếng cho tất cả mọi người. 

Trong đó cả bạn nữa đấy. 

Người ta không đánh giá lãnh đạo dựa trên thành tích cá nhân. Nhìn nhận họ như người đóng góp cá nhân thì có ý nghĩa gì chứ? Thay vào đó, hầu hết các lãnh đạo đều được đánh giá dựa trên việc họ có khả năng ra sao trong việc chiêu mộ, đào tạo và khích lệ nhân viên của mình, ở cả khía cạnh cá nhân và tập thể - tất cả đều được thể hiện trong kết quả công việc. Vì vậy, khi tuyển dụng được nhân tài và giải phóng nguồn năng lượng của họ, bạn sẽ không vì thế mà trông kém cỏi hơn đâu. Bạn giống như con gà biết đẻ trứng vàng vậy. 

Vậy nên, hãy cứ yên tâm tiếp tục đẻ trứng. Hiếm có công ty nào lại không yêu quý một vị lãnh đạo có thể tìm được nhân tài và tạo môi trường thuận lợi giúp họ thăng hoa và bạn không cần phải là người tài giỏi nhất trong đó mới có thể làm việc này. Thực ra nếu bạn liên tục thể hiện một cách nhất quán kỹ năng lãnh đạo đó và được cả công ty biết rằng bạn là nguofi có thể tìm kiếm và cất nhắc những người tài giỏi nhất, thì khi đó sự nghiệp của bạn cũng sẽ cất cánh. 

Tuy nhiên, để quản lý những nhân viên “ưu việt” trong đội ngũ không phải là điều dễ dàng. Làm sao bạn có thể đánh giá được những người mà bạn cho là tài giỏi hơn mình? 

Bạn không làm việc đó. Nghĩa là bạn không đánh giá họ dựa trên trí thông minh hay nhóm kỹ năng cụ thể nào cả. Dĩ nhiên, bạn nói về những điểm họ đang làm tốt, những điều quan trọng không kém là bạn cũng cần tập trung vào những khía cạnh họ nên cải thiện hơn. Ai cũng biết rằng ngay cả những người tài giỏi nhất cũng có những mặt khiếm khuyết, chẳng hạn như không thân thiện với đồng nghiệp khác hoặc thiếu cởi mở đón nhận ý kiến của người khác. Thực ra, một số người còn gặp khó khăn trên con đường trở thành nhà lãnh đạo. Và đây chính là chỗ kinh nghiệp và sự tự tin của bạn phát huy được vai trò của mình và những hướng dẫn của bạn dành cho họ có thể sẽ rất hữu ích. 

Vậy nên, khi nhìn nhận ở góc độ này, việc quản lý các nhân viên tài năng cũng giống như quản lý các nhân viên thông thường khác. Bạn sẽ gặt hái được nhiều lợi íc từ việc tôn vinh sự phát triển của họ - và không có gì phải sợ hãi cả. 

Trích cuốn sách "Câu trả lời của người chiến thắng" của tác giá Jack Welch & Suzy Welch

Thảo luận về chủ đề này

Tin nổi bật

Tin tức liên quan